Tin tức

Đạt 500 tỷ USD, xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt cả châu Phi

(HQ Online) – Nội dung này được Thủ tướng nhấn mạnh tại Lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của  Việt Nam vượt mốc 500 tỷ USD, do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương tổ chức chiều 30/12.

dat 500 ty usd xuat nhap khau cua viet nam vuot ca chau phi
Quang cảnh buổi Lễ Ảnh: TTXVN

Tham dự có các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ, đại diện một số địa phương trọng điểm, các hiệp hội và doanh nghiệp tiêu biểu. Về phía Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan có Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng:Bộ Tài chính cam kết tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa

“Thay mặt các bộ, ngành liên quan và lãnh đạo Bộ Tài chính, tôi xin lĩnh hội và tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối những nhiệm vụ đặt ra cho Bộ Tài chính nói riêng và các bộ, ngành nói chung, nhằm tận dụng triệt để những cơ hội và giải quyết hiệu quả những thách thức trong giai đoạn tới; đưa kinh tế Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đảm bảo phát triển lành mạnh, bền vững.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong bối cảnh tình hình mới, Bộ Tài chính cam kết tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa trên tất cả các mặt từ cải cách pháp luật, hành chính; áp dụng công nghệ quản lý hiện đại theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế đến ứng dụng các thành tựu mới của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ lần thứ tư để hướng tới một nền hành chính đơn giản, minh bạch, hiệu quả, hiệu lực, phục vụ và kiến tạo.

Bộ Tài chính cũng mong muốn các bộ, ngành, các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để đưa ra các giải pháp thiết thực, thực hiện tốt các ưu tiên về chính sách, pháp luật; giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; chung tay cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu… nhằm đạt được đạt những kết quả cao hơn và tốt hơn trong những năm tiếp theo…”.

(Lược ghi phát biểu của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tại buổi Lễ)

 

Phấn đấu xuất khẩu 300 tỷ USD vào năm 2020

Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với kim ngạch lần đầu tiên vượt mốc 500 tỷ USD, quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam đã vượt cả châu Phi cộng lại.

Từ một nước thiếu ăn, đói ăn, bao cấp, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ để vào nhóm 30 nền kinh tế có quy mô xuất nhập khẩu hàng đầu thế giới.

Đặc biệt, cùng với quy mô kim ngạch tăng lên cũng chứng kiến con số xuất siêu kỷ lục hơn 10 tỷ USD và có thể đạt 11 tỷ USD khi kết thúc năm 2019.

Đến nay nhiều ngành hàng xuất khẩu đã nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới. “Việt Nam đã trở thành ‘thủ đô’ của ngành sản xuất, xuất khẩu điện thoại di động của thế giới, xuất khẩu nông sản cũng trong nhóm dẫn đầu khu vực ASEAN”- Thủ tướng nói.

Đáng phấn khởi hơn khi trong năm 2019, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng khá trong bối cảnh thương mại toàn cầu có chiều hướng sụt giảm…

Để đạt được sự tăng trưởng xuất nhập khẩu ấn tượng vừa qua là nhờ Việt Nam đã đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nhất là thực hiện các Hiệp định thương mại tự do, trong đó có các hiệp định thế hệ mới như CPTPP và sắp tới là thực hiện EVFTA; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp; nỗ lực của các bộ, ngành địa phương như Tài chính, Công Thương… đặc biệt là cố gắng, nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp.

Về mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2020 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải tiếp tục nỗ lực để nâng cao hơn nữa quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt, cần tiếp tục thực hiện chủ trương cải cách, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, chống phiền hà sách nhiễu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, tăng cường xúc tiến thương mại…

Năm 2020, Thủ tướng đặt mục tiêu cho các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực đạt mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD, đồng thời tiếp tục duy trì năm thứ 5 liên tiếp xuất siêu.

Song song với các giải pháp tạo thuận lợi thương mại cần đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là chống gian lận xuất xứ để bảo vệ uy tín, thương hiệu hàng hóa Việt Nam.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và đề nghị công đồng doanh nghiệp nỗ lực để nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất khẩu, giảm chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là chi phí về logistics…

Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước chuyển mạnh mẽ trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp, các nền kinh tế lớn tăng trưởng không đồng đều. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã từng bước thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tranh thủ khả năng hợp tác thương mại, đầu tư, hội nhập, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế đất nước.

20 năm, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 4.000 tỷ USD

Theo báo cáo tại buổi Lễ, nhìn lại chặng đường những năm qua cho thấy bước tiến mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu nhập khẩu của Việt Nam. Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa trong gần 20 năm (giai đoạn 2000-2019) của Việt Nam đã đạt tới 3.995 tỷ USD.

Trong đó, chỉ tính riêng 5 năm gần đây (từ năm 2015 đến năm 2019) ghi nhận , kim ngạch đạt 2.106 tỷ USD đồng thời cao hơn xuất nhập khẩu của cả 15 năm về trước cộng lại (giai đoạn 2000-2014).

Nếu năm 2001, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ ở con số khiêm tốn hơn 30 tỷ USD thì sau 6 năm (năm 2007), tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đã đạt con số 100 tỷ USD, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

4 năm sau (năm 2011), tổng trị giá xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi, đạt con số 200 tỷ USD. Và 4 năm tiếp theo (đến năm 2015), xuất nhập khẩu Việt Nam cũng đã cán mốc trị giá 300 tỷ USD.

Những năm gần đây, việc lập kim ngạch 100 tỷ USD xuất nhập khẩu được rút ngắn ½ thời gian so với trước. Cụ thể, giữa tháng 12/2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu đã đạt mức 400 tỷ USD.

Tiếp nối 2 năm sau đó, trong nửa cuối tháng 12/2019, trị giá xuất nhập khẩu đã lần đầu tiên cán mốc 500 tỷ USD.

Nhờ những bước bứt phá trong những năm gần đây, thứ hạng về xuất nhập khẩu của Việt Nam (theo công bố xếp hạng của WTO) đã tăng lên rõ rệt.

Năm 2006 Việt Nam đang xếp hạng thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu và 44 về nhập khẩu.

Đến năm 2018, nước ta đã có bước phát triển ấn tượng, xếp thứ 26 về xuất khẩu và thứ 23 về nhập khẩu. Với kết quả này, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Trong nội khối ASEAN, Việt Nam có vị trí thứ ba về xuất nhập khẩu, chỉ sau Singapore và Thái Lan.

Thái Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

20 + four =